Thứ Bảy, 13 tháng 4, 2013

MUỐN TRỞ THÀNH 1 CEO GIỎI - HÃY HỌC HỎI NHỮNG "MASTER CHEF"

Master Chef - Những Bếp trưởng của các nhà hàng, không chỉ là những phù thủy luôn phù phiếm ra những món ăn tuyệt ngon mà còn là những CEO bếp tài ba mà chúng ta phải học hỏi ở họ rất nhiều về kĩ năng quản lý.
  
1. Quản lý sản xuất
Bạn cũng biết một nhà hàng mỗi ngày đều cần rất nhiều thực phẩm để chế biến đồ ăn, và nhu cầu thực phẩm mỗi ngày cũng khác nhau. Thế nhưng đâu phải ngày nào nhà hàng cần những thực phẩm gì thì ra chợ mua thực phẩm đó là xong. Cần phải có lượng thực phẩm dự trữ. Bởi vì không phải cần cái gì ra chợ là có, một số thực phẩm chỉ có theo mùa nếu không dự trữ thì khi hết mùa sẽ không có. Và tất cả những việc dự trữ bao nhiêu, dự trữ như thế nào đều là do các Bếp trưởng tính toán và quyết định.


Một doanh nghiệp cũng vậy, để đảm bảo sản xuất được hoạt động đều đặn, người quản lý phải biết tính toán dự trữ nguyên vật liệu cho phù hợp.

2. Quản lý nhân sự
Trong bếp ngoài bếp trưởng, thì còn có bếp phó, các đầu bếp, phụ bếp và cả các tạp vụ. Rất nhiều người vì vậy không thể tránh khỏi các bất đồng hay xung đột. Và bếp trưởng cũng chính là người phải quản lý đội ngũ này. Sắp xếp, phân công công việc cho phù hợp với từng người, kiểm soát công việc của từng người, tạo không khí hòa đồng, vui vẻ. Vì khách hàng là thượng đế, họ không cần biết trong bếp xảy ra chuyện gì, họ chỉ cần biết đồ ăn của họ được phục vụ có tốt hay không. Vì vậy, bếp trưởng luôn là người phải kiểm soát vấn đề này, cho dù bất cứ chuyện gì xảy ra cũng luôn phải đảm bảo đồ ăn được phục vụ khách hàng kịp lúc và đảm bảo chất lượng nhất.


Một doanh nghiệp cũng vậy, không thể tránh khỏi việc bất đồng, xung đột trong đội ngũ nhân sự, nhưng người quản lý phải biết kiểm soát, và giải quyết vấn đề, không để cho nó ảnh hưởng đến việc phục vụ khách hàng.

3. Quản lý chất lượng
Chỉ một sơ suất nhỏ cũng có thể khiến cho một đầu bếp làm hỏng cả một món ăn (ví dụ hương vị không thơm ngon, màu sắc thiếu thẩm mĩ, độ chín không đều...). Những lúc như vậy, bếp trưởng phải là người nhanh trí để tìm ra cách giải quyết, không thể nào bất chấp chất lượng món ăn không tốt mà bưng lên phục vụ khách hàng. Hoặc là phải nhanh chóng làm lại món ăn nếu không tốn nhiều thời gian, hoặc là phải khéo léo thay thế bằng một món ăn khác nhưng vẫn phải đảm bảo sự kết hợp hài hòa giữa 3 món Khai vị, Món chính và Món tráng miệng, đảm bảo thực khách vẫn được trải nghiệm những hương vị hài hòa và ngon nhất.... Điều đó yêu cầu sự nhạy bén, và kĩ năng giải quyết vấn đề của người bếp trưởng. 


Một doanh nghiệp cũng vậy, khi có vấn đề trục trặc trong chất lượng sản phẩm, người quản lý phải nhạy bén và sáng suốt để tìm phương án giải quyết, không để sai sót của doanh nghiệp mà ảnh hưởng đến khách hàng.

4. Quản lý đổi mới
Bạn có thấy một số nhà hàng, thì mỗi ngày ngoài những món ăn quen thuộc thì họ luôn có một vài món đặc biệt để đề cử với khách hàng không (thường gọi là món của ngày). Mỗi ngày bếp trưởng đều phải cân nhắc xem chọn món gì làm món đặc biệt của ngày để có thể thu hút được khách hàng. Ngoài ra bếp trưởng cũng phải lãnh đạo đội ngũ đầu bếp thường xuyên nghiên cứu, sáng tạo ra các món ăn mới để giới thiệu tới thực khách, có như vậy mới giữ chân được thực khách. 


Một doanh nghiệp cũng vậy, luôn cần phải có sự đổi mới để không ngừng đáp ứng nhu cầu của khách hàng tốt hơn. Người quản lý có thể không phải là người trực tiếp nghiên cứu ra các đổi mới nhưng phải biết chỉ đạo, tổ chức để bộ phận phát triển nghiên cứu ra các đổi mới. Điều này đặc biệt rất quan trọng trong thời đại cạnh tranh gay gắt như hiện nay.
Tất cả những kĩ năng trên: kĩ năng quản lý sản xuất, quản lý nhân sự, quản lý chất lượng, quản lý đổi mới chẳng phải đều là những kĩ năng quan trọng mà một CEO phải có hay sao. Vì vậy nếu bạn vẫn chưa có được những kĩ năng này thì hãy nhanh nhanh làm quen với một vài bếp trưởng của các nhà hàng đi nhe, chắc chắn bạn sẽ học hỏi được nhiều điều đó.
Chúc bạn thành công.